Cư dân trong lòng Lập An

“Sự tích” một cái tên

Cuộc đời của những cư dân trên mặt đầm cứ lênh đênh theo con nước. Thủy triều xuống, người ta có thể lội bộ dạo chơi trong lòng đầm mà nước chỉ đến đầu gối. Đây cũng là thời gian “vàng” để những cư dân sông nước nơi đây trùm mình cào vớt những mớ điệp, hàu, sò… rồi lên chợ ven đường mà bán đổi gạo. “Cả nhà sống bám nhờ mặt đầm. Con nước lên thì mình ngồi chơi, nước xuống thì trùm mình lặn cào sò, hàu” - bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi) ngoi đầu lên khỏi mặt nước nói.

Bên ly rượu mặn chát cùng vài con cá mú vừa bắt được dưới lòng đầm, ông Nguyễn Hai (78 tuổi, thôn Hải Vân) kể cho tôi nghe về cái gốc tích của tên đầm, tên thị trấn Lăng Cô mà ngày nay thường gọi. Theo ông Hai, đầm Lập An trước giải phóng có tên là đầm Lăng Cô. Nhưng trước đó nữa, từ thời xa xưa, nó lại có tên là đầm Làng Cò.

Cư dân trong lòng Lập An ảnh 1

Những chòi canh và ma trận lồng nuôi hải sản trong lòng đầm Lập An. Ảnh: LÊ PHI

Thuở ấy, đầm Lập An (bây giờ) có cả một rừng cây cao, to và rậm rạp vô cùng. Mùa nước lên xuống, cây trong lòng đầm gạt nước trồi ra, dưới lòng đầm nước lắp xắp cá tôm nhiều vô kể. Cá tôm nhiều đến độ cư dân hai bên lòng đầm cứ chờ nước rút là lội trong rừng vén cây ấy mà lượm cá. Tôm cá nằm lăn lóc khắp nơi dưới mặt đầm nên nơi đây là nhà của hàng vạn con cò. Cò về sinh sống nhiều, đậu trắng cả lòng đầm. Người dân thấy cò về sinh sống nên đặt tên cho đầm là đầm Làng Cò. Đến thời Pháp thuộc, đầm Làng Cò được đọc lái thành đầm Lăng Cô. Cái tên thị trấn Lăng Cô cũng có từ đó.

Ông Hai dụi dụi đôi mắt đục ngầu: “Hồi còn bé, tui và lũ bạn chỉ cần ra đầm tay không cũng kiếm được cái ăn. Gia đình tui cũng nương nhờ con nước trong lòng đầm mà sinh sống qua mấy thế hệ”. Nghe ông kể câu chuyện về cái đầm huyền bí này, tôi có cảm giác như đã từng có một rừng U Minh hay Cần Giờ của đất phương Nam ngay trên đất Thừa Thiên vào thuở ấy.

Ma trận trên mặt đầm

Việc tựa vào đầm để canh tác và nuôi trồng hải sản đã vực dậy “nền” kinh tế của nhiều gia đình. Nhiều người trở nên giàu có, xây dựng những ngôi nhà cao tầng khang trang nhờ lòng đầm này. Ban đêm, ánh đèn nê-ông từ những chòi canh quét xuống làm sáng rực cả mặt đầm.

Bây giờ, lòng đầm Lập An xuất hiện vô số chòi canh. Mặt nước phủ đầy dây rợ, gộc tre và các lồng nuôi trồng thủy sản. Sản vật của lòng đầm đã được “thương mại hóa” bởi những ma trận lồng nuôi tôm, hàu, điệp, nghêu, vẹm xanh… Trong lòng Lập An, nhà hàng mọc lên như nấm với đặc sản chính là hải sản.

Cư dân trong lòng Lập An ảnh 2

Ghe thuyền xới lòng đầm lấy vỏ hàu bán cho lò nung vôi. Ảnh: LÊ PHI

Nhưng với những cư dân ít vốn và yêu đầm này thì cái ăn của họ đang thật sự là vấn đề khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều cư dân sống trong lòng đầm bằng nghề bủa lưới và cào nghêu, hàu cho rằng diện tích mặt nước đánh bắt của họ đã bị thu hẹp bởi phong trào nuôi hải sản. “Nếu ngày xưa tui có thể đánh bắt khắp mặt đầm thì nay nhiều chỗ đã có chủ. Nó cản trở tui đánh bắt cá nuôi gia đình” - anh Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) nói.

Con nước lên, anh Hải đạp nước đưa tôi ra giữa lòng đầm để theo anh bủa lưới. Chiến lợi phẩm sau vài tay lưới của anh chẳng có gì nhiều, chỉ vài con cá nhỏ nằm vắt vẻo trong khoang thuyền. Anh Hải nói: “Mấy năm lại đây cá trở nên ít hơn, mỗi ngày đánh bắt được mấy chục ngàn đồng không đủ nuôi gia đình. Bắt cá không được thì chuyển sang cào hàu nhưng cũng chẳng được là bao”.

Hủy hoại lòng đầm

Việc đánh bắt tôm, cá, hàu, sò chẳng còn thịnh vượng như ngày xưa. Sinh kế bị bó hẹp, cư dân Lập An bắt đầu tất bật xới lòng đầm để hút vỏ hàu, ốc, điệp trầm tích về nung vôi bán. Những vỏ hàu, ốc, điệp này có từ xa xưa, vốn là trầm tích trong lòng đầm. Sợ làm kinh động đến hệ sinh thái trong lòng đầm nên ngày xưa, các thế hệ trước chỉ xới đầm thu vỏ hàu, ốc về nung vôi phục vụ gia đình mình chứ không dám bán.

Thế nhưng bây giờ, các loại vật liệu dùng trong xây dựng này đang bị khai thác vô tội vạ. Ngày nào trong lòng đầm cũng có máy hút, máy sàng ra sức cày xới. Đó cũng nguyên nhân khiến hệ sinh thái trong lòng hồ này đang cạn kiệt và có nguy cơ bị hủy hoại.

Cư dân trong lòng Lập An ảnh 3

Nhiều cư dân phải hành nghề nung vôi để kiếm sống qua ngày. Ảnh: LÊ PHI

Dọc tuyến sườn áp lưng vào người hùng (dãy Bạch Mã) và chân đèo Phú Gia là nhan nhản các lò nung vôi. Thuyền của nhiều hộ trước đây vốn đánh bắt cá, nay đầu tư thêm máy hút để tiện cho việc xới lòng đầm. Mỗi ngày, gần trăm chuyến thuyền cập bến để bán vỏ hàu. Với mỗi tấn vỏ hàu bán cho chủ lò nung, cư dân Lập An nhận được chỉ vài chục ngàn đồng.

Chiều đến, các lò nung vôi ra sức xả khói, bụi làm trắng cả mặt đầm và bao phủ một góc phía bắc thị trấn Lăng Cô. Cây cối ở đây phủ một màu trắng toát của bụi vôi. Đang làm thuê cho một chủ lò nung, anh Lê Văn Giang (thị trấn Lăng Cô) cho biết: “Hiện có khoảng 10 lò chuyên nung vôi hoạt động liên tục. Mỗi tấn vôi thành phẩm tôi được trả công 18.000 đồng”.

Các lò nung vôi này làm hủy hoại hệ sinh thái trong lòng đầm. Không những thế, nó còn gây nguy hại đến sức khỏe của người dân thị trấn Lăng Cô và hàng trăm người làm công tại các lò này.

Ông Lê Văn Tình, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết thị trấn đang có kế hoạch phát triển du lịch trong lòng đầm. Trong tương lai, những hộ làm vôi này sẽ không được hoạt động nữa. Hy vọng vào một ngày không xa, lòng đầm Lập An sẽ trở về với sự yên bình vốn có thuở trước.

LÊ PHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm